NHÀ BIÊN KỊCH
Trong Inside out 2, nhân vật hiện thân cho sự lo âu (anxiety) luôn tìm cách mô phỏng, dự đoán những kịch bản xảy ra (hầu hết là tiêu cực) trong cuộc đời Riley để rồi dẫn đến những hành động cực đoan với khao khát hướng tới 1 tương lai "hạnh phúc" hơn cho cô bé 13 tuổi.
Chẳng cần coi bộ phim có lẽ chúng ta cũng tự nhận ra, hằng ngày, những nhà biên kịch bên trong mỗi người tạo ra hàng tá kịch bản cuộc đời trước mỗi hành động. Chúng ta cần lo âu để phòng tránh những hiểm nguy, một thứ được di truyền từ hàng trăm nghìn năm trước. Chúng ta cũng có thể biến chúng thành những động lực để làm việc mỗi ngày. Nhưng khi những kịch bản tiêu cực nhiều tới mức kiểm soát cuộc đời chúng ta thì sao?
Một ví dụ về đam mê cuộc đời. Những câu chuyện từ bạn bè mà mình được nghe thường xoay quanh việc tìm kiếm đam mê. Họ, giống mình 1 thời điểm trước đây, dành phần lớn thời gian so sánh, chỉ trích bản thân vì mãi loay hoay, chưa tìm được công việc "đam mê". Bởi những định nghĩa nửa vời về hạnh phúc nói với chúng ta rằng, bạn chỉ hạnh phúc khi tìm được công việc mình yêu thích. Nào là khi bạn làm đúng việc mình thích thì bạn sẽ không phải làm việc 1 ngày nào cả. Những câu nói này vô tình khiến nhiều người lấy nó ra làm thước đo khi họ tìm kiếm 1 công việc. Ý tưởng ở đây là, nếu tôi làm 1 công việc mà tôi cảm thấy chán ghét, không thấy niềm vui thì có lẽ đó không phải đam mê của tôi, tôi không nên tiếp tục phí thời gian với nó nữa.
Có thực là khi tìm đúng công việc "định mệnh" thì bạn sẽ chỉ luôn cười vui suốt quãng đời còn lại? Chắc chắn không! Nếu ngẫm lại những khoảnh khắc vui vẻ trong quá trình làm việc của mình, nhiều người sẽ nhận ra, quá trình tạo ra 1 điều gì đó chưa bao giờ đầy ắp niềm vui, dù là làm 1 điều mình rất mong muốn. Chúng ta sẽ vẫn có sự hào hứng, phấn khích khi bắt tay vào làm điều chúng ta yêu thích. Nhưng điểm chung của chúng với những công việc chúng ta hay mỉa mai là "đi làm chỉ để chấm công", là đều có vô vàn trở ngại khó khăn khi thực hiện. Những thời điểm nản chí, chán ghét, muốn bỏ cuộc là lúc xuất hiện những băn khoăn quẩn quanh trong đầu. Tôi có đang làm đúng không? Lỡ tôi sai thì sao? Hình như tôi đang phí phạm thời gian cho những việc không đâu trong khi mọi người xung quanh đang thành công hơn mỗi ngày. Hàng trăm kịch bản tồi tệ nhanh chóng được phơi bày, kìm hãm những hành động đó. Và khi niềm vui (joy) thua cuộc, lo âu (anxiety) chiếm lấy hệ điều hành, chuyển hướng ta tới những kịch bản an toàn nhất, giống với 1 công dân lý tưởng nhất.
Về cơ bản, khao khát được thuộc về sẽ kéo ta về với những hình mẫu có sẵn để bảo vệ chúng ta khỏi những thứ chúng ta không biết. Chúng ta cần chúng để tồn tại, để tạo động lực, nhưng ở mức độ vừa đủ. Nhưng nếu những nhà biên kịch bên trong bộ não hăng say tới mức, tạo ra hàng tấn kịch bản bi kịch khiến chúng ta rối tung mù và chìm đắm trong nỗi sợ mỗi ngày thì nó lại là vấn đề lớn. Bước đầu là tinh thần suy sụp, tiếp đến là thể trạng xuống cấp. Cứ sống ở tình cảnh mà nỗi lo âu đè nén bản thân mỗi ngày đến nỗi kiệt quệ, bệnh tật tăng dần, lo âu chồng chất, trách nhiệm bủa vây, bạn sẽ hiểu tại sao có những người phải dùng đến những biện pháp cực đoan để giải tỏa.
Những phản ứng lo âu phòng vệ được sinh ra thuở sơ khai để dành cho những mối nguy hiểm tức thì. Ngày nay, nỗi lo âu lớn lao hơn nhiều, có những nỗi lo đeo bám hàng tuần, hàng tháng, thậm chí là hàng chục năm. Nỗi sợ tăng lên theo cấp số nhân tỷ lệ thuận với sự phát triển nhân loại. Có thể hình dung như này, động lực cho những phát minh mới được tạo ra mỗi ngày kể từ khi con người xuất hiện là để giải quyết một mối lo lắng nào đó của loài người. Khoa học giúp ta dự đoán tương lai. Càng dự đoán được xa, chúng ta càng lo âu nhiều. Trên tay mỗi người ngày càng được trang bị đầy ắp những công cụ (tool) xịn xò, như những lớp áo giáp phòng vệ trước mọi hiểm nguy, chúng ta tự hào về những phát kiến thay đổi lịch sử. Trớ trêu thay, bản thân loài người lại “tiến hóa” chậm chạp hơn hẳn so với những công nghệ tối tân. Hãy nhìn sự phát triển của ngành tâm lý học so với khoa học, công nghệ, bạn tự nhận ra câu trả lời. Và do đó, sự bất lực với hàng tá nỗi lo âu bản thân sản sinh mỗi ngày là điều không thể tránh khỏi.
Làm sao để ngưng lo âu vượt quá giới hạn?
Trong Inside Out 2, Riley khá may mắn vì chỉ sau 1 khóa trại hè đã trưởng thành hơn rất nhiều trong suy nghĩ. Ngoài ra, có lẽ những nỗi lo âu mà một cô bé tuổi teen gặp phải vẫn chưa quá nhiều, và có thể xử lý được. Nhưng thực tế thì sao? Lời khuyên phổ biến chúng ta được nghe, được chỉ dạy là: đối diện với nỗi sợ của chính mình. Trong trường hợp này có thể hiểu là hãy học cách đối diện với những kịch bản khủng khiếp nhất mà chúng ta tạo ra cho mình, để nỗi sợ đó lên đến cực đỉnh và nhận ra, nó không thể g.i.ê.t mình được. Đối với trải nghiệm của mình, nỗi lo âu thuyên giảm dần khi mình bắt đầu có hành động. Nghĩa là, nỗi lo âu đạt cực đỉnh khi nó chưa xảy ra. Mình để nó bào mòn đến đâu tùy thuộc vào việc mất bao lâu để mình có 1 hành động (action) cụ thể thay vì chỉ nghĩ ngợi. Nhìn chung, nó cũng được hiểu là đối diện với nỗi sợ bằng cách “chạm” vào nó.
Nhưng trước thời điểm có được 1 hành động rõ ràng thì những cảm xúc phải trải qua thực sự rất tệ. Một cách để thuyên giảm trải nghiệm khủng khiếp đó là: chấp nhận mình có thể không vượt qua được 1 nỗi lo âu nào đó. Nghe khá kỳ cục nhưng nó lại giảm tải áp lực cho 1 chiếc đầu nặng trịch lo âu và là cách nhiều người trong chúng ta thực hiện mỗi ngày. Nếu bạn cảm thấy lo âu và sợ hãi hơn khi dành nhiều thời gian lên mạng xã hội bởi bạn biết bạn sẽ đi so sánh bản thân với người khác và chìm đắm trong tuyệt vọng, thì bạn có thể giảm bớt hoặc không dùng nó ở những thời điểm bạn thấy kiệt sức. Điều đó không thể hiện bạn kém cỏi hay không dám đối diện với sự thật. Chỉ đơn giản là có nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát được. Và sẽ có những điều chúng ta không vượt qua được. Vậy thì cứ chấp nhận bản thể của mình khi đó, khóc, buồn bã, thất vọng. Đó là những cảm xúc bình thường, rất bình thường. Và bởi vì, hạnh phúc là 1 lý tưởng, không phải là điều hiển nhiên.
Nhận xét