ÁM ẢNH CHUÔNG ĐIỆN THOẠI

Tết rồi về nghe tiếng chuông thông báo đặt volume level max của bố lại làm mình nhớ đến nỗi ám ảnh âm thanh thông báo từ điện thoại năm xưa. Vài năm trước, mình sợ chuông điện thoại và âm thanh ứng dụng đến nỗi lúc nào có tiếng là mình cũng thắt tim lại, làm agency rồi làm từ xa nhiều năm mà cứ để vậy thì có ngày trụy tim. Giờ thì mình không đến mức vậy nữa rồi, trừ những khi chờ đợi nhận những cuộc gọi quan trọng.

Để thay đổi, việc đầu tiên mình làm là TẮT MỌI THÔNG BÁO, mọi cách hiển thị, từ chuông, rung, pop-up, hiện số chưa đọc. Bỏ hết. Chỉ trừ chuông điện thoại thôi. Đương nhiên là cả ngày, chứ không phải là bật trong giờ và tắt khi về nhà. Nhưng, không đọc thì sao biết mọi thứ đang xảy ra như thế nào?

Vấn đề là ở đây nè. Chúng ta ôm điện thoại còn nhiều hơn người thân thì dăm ba cái tin nhắn sợ gì mà không check kịp. Nói vậy thôi, những loại thông báo được sinh ra để chúng ta phản hồi nhanh nhất có thể chứ trước khi có nó thì thông tin đến bạn chậm xíu thôi… chứ đâu có biến mất.

Tiếp, với những người ám ảnh chuông như mình, tắt mọi thông báo còn đáng sợ hơn là để thông báo vì cảm giác chờ đợi cái cần chờ đợi. Nói chung là x2, x3 nỗi lo âu. Nhưng cách mình làm ở đây là, quan sát khung giờ làm việc, thiết lập quy tắc (nếu được) và linh hoạt.

- Quan sát khung giờ làm việc của Công ty, của phòng, của sếp để nắm được các khung giờ mọi người chat chit, trao đổi thông tin nhiều nhất. Đó cũng là khung thời gian mình online liên tục. Khung giờ đó mình chỉ sắp xếp làm những công việc tốn ít não thôi vì bị ngắt quãng nhiều, và mình biết sẽ như vậy nên không quá bực mình. Có thể có một khung giờ hoặc 3 -4 khung giờ tùy vào tính chất các công ty nhưng sau một thời gian làm việc các bạn chắc chắn sẽ biết khung nào là những trò chuyện serious, và khung nào là tám xàm. Với khách hàng cũng không khó để quan sát khung giờ và chủ động chuẩn bị.

- Thiết lập quy tắc và thông báo. Cái này không chỉ áp dụng cho những người làm leader trở lên mà tự cá nhân cũng nên có quy tắc. Bởi, quỹ thời gian là của mỗi cá nhân, không phải của mình. Nên khi giao việc cho nhân sự, việc đầu tiên không phải là mình dí một deadline cụ thể cho họ mà yêu cầu các bạn tự check lại time-line của bản thân, thay vì “bị động” nhận task việc rồi làm nó trong sự ấm ức. Các bạn cần học cách nhìn lại khối lượng công việc của mình và tập làm quen với việc kiểm soát nó. Sau đó, cần chủ động thông báo. Ví dụ chủ động trao đổi với sếp từ đầu giờ về khối lượng công việc trong ngày và xin phép các khung giờ ít onl để tập trung làm các task A, B, C.. một cách rõ ràng. Nhờ việc này, sếp cũng có thể biết được cách bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc đã tối ưu chưa cũng như nắm được thông tin để nếu có việc urgent mà không liên hệ được với bạn thì họ cũng không phát khùng và có phương án khác thay thế. Rất nhiều bạn than thở với mình là bình thường làm việc không sao, cứ lúc bận thì sếp nhắn, không đọc tin vài phút đã bị chê trách. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói với nhau trước thì có phải mọi chuyện đã dễ dàng hơn đúng không? 

Từ phía quản lý, nếu đã chia sẻ với nhân sự mà họ vẫn mắc lỗi thì cần có buổi nói chuyện riêng để hiểu gốc rễ. Mình từng quản lý những nhân sự mà các bạn sợ mình tới nỗi, tin nhắn đã đến từ rất lâu và các bạn cũng đã nhìn thấy nhưng cần thời gian để hồi phục tâm trạng và ấn nút xem. Nên vì tính cách mỗi người khác nhau và có những nỗi sợ riêng, cần nắm rõ vấn đề để cùng nhau thiết lập những quy tắc làm việc sao cho phù hợp. Có như vậy nhân sự mới thoát ra khỏi cái bóng của sếp mình và làm việc thông minh hơn và sếp cũng quản lý nhẹ nhàng hơn. Bản thân mình hồi đầu cũng ngại để trao đổi với sếp trên của mình. Nhưng cứ khéo léo trao đổi và nêu rõ lý do thôi. Miễn sao đảm bảo chất lượng công việc và hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống riêng.

Với gia đình, người thân, mình không thể cứng nhắc gò mọi người vào các khung giờ nhưng mình nên khéo léo đan xen thông tin mình bận hay gấp vào những lúc trò chuyện. Thỉnh thoảng, người nhà mình không liên lạc được với mình qua ứng dụng cũng khá lo lắng, nhưng thường là mình sẽ chủ động gọi lại ngay và nói cho mọi người biết.

- Linh hoạt. Không phải lúc nào mọi thứ cũng như chúng ta dự tính. Khi làm Client, khung giờ làm việc của mình khá cố định, mọi người cũng hiếm khi làm ngoài giờ. Nói chung giờ giấc rõ ràng, nhưng Agency thì hơi khó một chút. Thỉnh thoảng sẽ có những việc nếu không giải quyết ngay là đi tong. Ví dụ client bị khủng hoảng truyền thông, không thể đợi ngày mai mới xử lý được, hoặc gia đình đang có những việc hệ trọng, mình cũng cần chủ động bật thông báo những ứng dụng cần thiết để đảm bảo thông tin thông suốt trong khoảng thời gian đó. 

Quan trọng nhất là, khi làm cách này, hay làm bất cứ cách nào bạn thấy phù hợp với bản thân thì bạn cũng cần đứng ở tâm thế: CHỦ ĐỘNG VỚI QUỸ THỜI GIAN CỦA CHÍNH MÌNH. Không ai có thể/ có quyền thay bạn quản lý thời gian của bạn hết. Công ty có thể thuê 8 tiếng ngồi làm việc trên văn phòng nhưng cái họ thuê rõ ràng là khả năng tạo ra sản phẩm/ dịch vụ của bạn chứ không phải số tiếng. Đứng ở tâm thế này, bạn sẽ chủ động hơn và quyết liệt hơn để nắm giữ và sắp xếp thời gian cho bản thân. Hoặc bố mẹ, người yêu... quan trọng là mình phải chia sẻ thì mọi người mới nắm được. Không nói gì mà im im mới khiến mọi người bực bội vì bạn cho mọi người khoảng trống để lấp đầy những lý do tự mọi người nghĩ trong đầu rồi.

Hội chứng sợ chuông điện thoại

Những người cả nể hay gặp vấn đề này vì muốn làm hài lòng người khác nên người ta xin gì cũng ok. Kiểu như: “tý làm hộ cái này được không?”, “làm luôn giúp cái này nhé”….Nói chung là bạn đang tự để người khác xé nát thời gian của mình nếu bạn “ok” mà không thèm nhìn lại xem mình có đủ thời gian làm không. Và sau đó, vì những sự hài lòng đó, sức khỏe kém và nỗi ấm ức sẽ tăng dần theo thời gian.

Mình có vài đứa em làm freelancer khi chưa cứng cáp nên hay mắc vấn đề là làm "free" thời gian bất kể giờ giấc ngày đêm mà không có trao đổi, thiết lập rõ ràng. Nên thời gian đầu các bạn hao sức rất nhanh vì áp lực check thông báo và phản hồi liên tục.

Nếu cứ đi trong tâm thế bị động và chờ đợi thì sự sợ hãi sẽ tăng dần nên đơn giản điều mình muốn nhắc tới ở đây là chủ động đón nhận và sắp xếp. Thay đổi trong tâm trí chút thôi nhưng khác biệt nhiều đó. Kinh nghiệm cũng sẽ giúp bạn dự đoán được tình huống tốt và chuẩn bị cho những điều sắp tới nên nếu đã có kha khá thứ cần thiết để thiết lập một ngày rồi thì việc tiếp theo bạn nên làm đó là chủ động với nó. Có như vậy thì dù có là mớ thông báo hay gì thì bạn cũng tự sắp xếp được thời gian để xem xét hay bỏ qua thôi.

Một số bài viết cùng chuỗi bài về sự quan sát, tập trung, phân tâm, mọi người có thể đọc thêm:
Phân tán, phân tâm
Sự quan sát

Nhận xét

Bài đăng phổ biến