MẤT KẾT NỐI & KHAO KHÁT ĐƯỢC THUỘC VỀ (Chắc sẽ có phần tiếp)

 Mấy ngày trước, trong lúc nói chuyện qua tin nhắn Facebook với một người bạn lâu năm, mình giới thiệu cho chị một cuốn sách. Và rồi, mình bất ngờ vì dòng tin nhắn tức khắc phản hồi: “Eo, nhìn tựa cuốn sách, thấy tủi”.  Tên cuốn sách là: Mất kết nối.

Người bạn của mình, giống như nhiều người mình từng tiếp xúc và nói chuyện, đều có rất nhiều mối quan hệ xã hội, đều là thành viên của rất nhiều hiệp hội, cộng đồng, nhưng khi nói về cảm giác thực sự thuộc về một nơi nào đó, dường như không hiện hữu trong họ.

…..

Không đợi tới khi Facebook phát triển tính năng thúc đẩy người dùng sử dụng Facebook Group, con người đã luôn khao khát được thuộc về nơi nào đó. Thuở nhỏ, chúng ta thèm khát được che chở trong vòng tay gia đình, dù dây rốn được cắt từ khi đứa bé 37-38 tuần tuổi, hoặc có khi là ít hơn, nhưng sự phụ thuộc vào người mẹ và gia đình có thể kéo dài nhiều năm. Lớn hơn, chúng ta cần độc lập, có khi không, những kết nối với thế giới bên ngoài: Trường học, nơi làm việc, cộng đồng tôn giáo… được thêm/ thay thế, và vô cùng đa dạng. Dù là kết nối ruột thịt hay kết nối “nhân tạo”, tựu chung, ta cần nó. Sự thuộc về đã “ám ảnh” con người từ thuở sơ khai. 

Vậy, động lực là gì? Động cơ nào thôi thúc loài người luôn kiếm tìm điều này? 

Chúng ta cần sự an toàn. Nghĩ mà xem, sao có thể chống trả những con thú to lớn hung dữ, hay vượt qua khí hậu khắc nghiệt một mình được đây? Hẳn là một nhu cầu sinh học cần thiết cho sự sống còn mà tổ tiên chúng ta đã để lại tới ngày nay. 

“Được thuộc về” là cảm giác khó hình dung. Không thể vẽ từng nét trên giấy.

Tỉ dụ, tin một tín ngưỡng, dù bạn bè/ người thân cho rằng gàn dở/ ngụy khoa học nhưng chỉ cần tìm thấy những người giống mình, dù cách xa hàng nghìn cây số, cùng chung những niềm tin, ta vẫn có cảm giác được thuộc về. 

Hay như, điên cuồng mua sắm những món hàng hiệu, hàng local brand hiếm có khó tìm, nhưng động lực đằng sau là “được chấp nhận” vào một nhóm cộng đồng nào đó. Bởi, ta cần cảm giác được thuộc về. 

Gần gũi hơn là ví dụ về việc tìm kiếm những người có “uy quyền, “sức mạnh” trên mạng xã hội, những tổ chức/ tập đoàn lớn mạnh để ta cống hiến, để được dẫn đường chỉ lối, để ta được thuộc về, dựa vào.

Quảng cáo, truyền thông, mô hình kinh doanh cũng khai thác điều này rất nhiều: Hidden Bar, iFan...

Nói tới đây, bỗng nhiên mình nhớ tới một bộ phim mới xem đầu năm: Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng (Puss in Boots: The Last Wish). Trong hành trình tìm kiếm ngôi sao điều ước để khôi phục 8 mạng sống đã mất của mình, chú mèo Puss phải đối đầu với nhóm của Goldilocks & gia đình ba con gấu. Goldilocks là một cô bé mồ côi được gia đình gấu nuôi dưỡng, chăm sóc từ nhỏ. Tuy được yêu thương nhưng Goldi luôn khao khát một gia đình “đúng nghĩa”, bởi theo cô, như vậy mới là “vừa đủ”. Chỉ vì cô kỳ vọng quá nhiều nên đã quên mất, từ lâu, cô đã có một gia đình để thuộc về. May mắn là, cô bé đã nhận ra điều này khi chứng kiến gia đình gấu - những người cô cho rằng không phải là gia đình “đúng nghĩa” của mình, sẵn sàng lao vào hiểm nguy để đổi lấy cảm giác an toàn và sự thuộc về mà cô hằng mong ước. 

Một người thân thiết với mình cũng từng chia sẻ khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần vì không kết nối được với gia đình. Căng thẳng công việc đã làm tắt nụ cười của chị mỗi khi về nhà. Bao nỗi bực dọc, mệt mỏi nơi công sở gói thành sự giận dữ và hiện diện hết lên khuôn mặt, khiến người nhà không dám đến gần hỏi han. Áp lực phải mạnh mẽ đã khiến chị xa cách với chính chồng của mình trong một thời gian dài. Cho đến khi, chị tìm thấy những lời giảng nơi chị thường lui tới thờ phụng. Chị tìm thấy những người bạn cùng giác ngộ về cuộc đời. Chị nhìn cuộc đời theo một hướng khác, chị chủ động chia sẻ với chồng, và cùng nhau tìm hướng giải quyết những vấn đề gia đình. 

Mất kết nối

Nhưng không phải ai cũng may mắn được như vậy. Mình không thể nào quên cuộc trò chuyện ngắn ngủi gần đây với một người bạn thời thơ ấu. Khi mình gặp người phụ nữ ấy, chị chông chênh, tâm tư nhũn nhão. Chị kể, chị muốn vào một hội đi lễ mà bạn chị đang theo. Chị không biết bám víu vào đâu sau cuộc hôn nhân buồn bã và những nỗi lo chưa tới nhưng đã bóp hết hi vọng sống của chị. Bữa đó, mình ngồi bên chị, cạnh vườn hoa trước nhà, hoa tươi, mà chị héo, rũ. 

Là vì Goldi và người chị ở câu chuyện thứ hai quá may mắn hay thật sự có lý do nào ẩn chứa đằng sau đó? 

Quay trở lại một chút về cô bé Goldi. Trước khi nhận ra nơi mình thuộc về, Goldi luôn sống trong cảm giác bất an, bị bỏ rơi. Dù luôn gần gũi và được gia đình gấu bao bọc yêu thương, thẳm sâu bên trong Goldi vẫn khao khát được trở về gia đình ruột thịt của mình. Một phần tác động đến sự ám ảnh cực đoan của cô là từ người anh nuôi Baby luôn trêu chọc xuất thân trẻ mồ côi và việc cô không phải là một chú gấu đích thực. Cô bé đã che đậy sự tổn thương bên trong để hòa nhập với thế giới. Nhưng cô vẫn luôn dằn vặt bản ngã của mình. Ngược lại, bản ngã quá lớn của cô cũng kìm hãm cô thể hiện tình cảm với gia đình gấu, chỉ để bảo vệ cô được an toàn một lần nữa sau sang chấn thời thơ ấu. 

Chính điều này đã khiến cô như người bị mù trước tình yêu bao la của bố mẹ gấu và anh nuôi. Cô đi bên họ, đồng hành cùng họ, nhưng dè dặt, thấp thỏm lo âu như sợ ai đó nhận ra cô không giống họ. Sự kiện gia đình gấu gạt đi tổn thương để giúp Goldi lấy ngôi sao ước mơ sau khi biết sự thật điều ước của Goldi là rời xa họ đã đổ xô bức tường giam cầm trái tim đầy tình yêu của Goldi. Giúp cô giải phóng chính bản ngã cực đoan của mình. Giúp cô kết nối toàn vẹn với gia đình mình và cảm nhận trọn tình yêu thương. 

Đến đây, ta đã tìm được lời giải mất kết nối cho mình chưa? Chắc chắn chưa. Trong thế giới của Goldi, ta vẫn nhìn thấy những tác động của xã hội (định kiến) làm suy nghĩ của cô bé méo mó, nhưng nó không nhiều. Khi Goldi cho bản thân mình một cơ hội, cùng với điều kiện xã hội không quá phức tạp. Cô đã thả lỏng được chính mình, bỏ qua mọi rào cản xã hội, khác giống loài để cảm nhận sự kết nối. 

Nhưng thế giới thực của chúng ta nghiệt ngã hơn nhiều. Chỉ mỗi việc tìm cách giúp bản thân thoát khỏi những triết lý sống hiện đại buộc con người vùi sâu trong cạnh tranh đố kị, gắng gượng kết nối để mưu cầu tư lợi hay đối diện và đáp trả những lời xúc phạm nếu lỡ bản thân có thể hiện mặt yếu đuối ra bên ngoài (mặc định bị cho là rối loạn chức năng tâm thần) đã khó vô cùng.

Huống chi, khi ta biết một nửa sự thật còn lại của việc mất kết nối đến từ cách xã hội này đang được vận hành, thì chúng ta có thể làm được gì? 

Việc đặt ra câu hỏi này, không phải để chúng ta vùi sâu trong tiêu cực và suy nghĩ rằng, thế giới vận hành như vậy thì tôi phải thích nghi thôi. Mà để chúng ta suy nghĩ rộng hơn, lời giải không nằm ở việc tự mỗi cá nhân giải quyết mà cần tất cả mọi người cùng đồng lòng. Bởi, việc thay đổi suy nghĩ và cách sống của cả một nền văn hóa không thể chỉ đến từ sự thay đổi của một cá thể. 

Trong giới hạn bài viết này, mình chỉ đang đề cập đến khía cạnh cá nhân (dù có thể phải viết thêm vài phần nữa), còn từ mặt tác động của xã hội cần một bài hoặc nhiều bài riêng hơn nữa để tỏ rõ tác động. Vì phần này mới là cốt yếu.

P/s: Một lời nhắn nhỏ, trong quá trình tìm hiểu chính bản thân và cuộc sống xung quanh. Mình nhận ra, động lực lớn nhất để mình dám viết những quan điểm của mình trước sức ép làm hài lòng xã hội đó là: Mình không muốn nhìn thấy bất cứ một người nào đó, đổ tội cho chính bản thân họ khi họ cảm thấy hèn kém, lạc lõng, cô đơn hay có bất cứ cảm xúc yếu đuối nào ngự trị tâm trí. Để rồi dẫn tới việc tìm đến những phương pháp/ liệu trình hòng “chữa trị” bên trong mình. 

Nếu chúng ta không hiểu thế giới mình đang thuộc về, chúng ta sẽ không bao giờ dám đặt câu hỏi: Liệu mình có đang là “sản phẩm” của hệ thống xã hội hiện đại? Liệu mình sinh ra đã không hoàn hảo, hay là…? Mình phải thay đổi “bộ não” mình hay tìm cách thay đổi cách sống, thay đổi môi trường sống. Hay mình phải đấu tranh để thoát khỏi ”bánh răng” của thời đại? Mình là một nguyên nhân, hay là một kết quả!

"Maybe I'm foolish

Maybe I'm blind

Thinking I can see through this

And see what's behind

Got no way to prove it

So maybe I'm blind

But I'm only human after all

I'm only human after all

Don't put your blame on me

Don't put your blame on me"
(Trích lời bài hát Human - Rag'n'Bone Man)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến