Chúng ta đang “tiến hóa” để cô đơn?

Trước khi bắt đầu chủ đề này, cần phải nhấn mạnh rằng: CÔ ĐƠN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ MỘT MÌNH. Dù một mình thì có thể dễ cô đơn. Nhưng cảm giác cô đơn đến cả khi ta ngồi giữa một quán cà phê đông đúc nhưng chẳng trò chuyện với ai, cắm tai nghe và lặng lẽ làm việc của riêng mình. Cô đơn chen giữa một cặp đôi khi mà cả hai không có tiếng nói chung mà chỉ nằm cùng một chiếc giường. Cô đơn hiện diện mỗi ngày trên khuôn mặt Beatrice – Mẹ BoJack (BoJack Horseman – TV Series), dù bà sống trong một viện dưỡng lão đông đúc người già cùng tuổi. Rõ ràng, cô đơn chẳng liên quan gì đến số lượng người bên cạnh hay số lượng bạn bè chúng ta có. Cô đơn liên quan mật thiết đến một điều khác.

Nhiều sự thay đổi của nhân loại đã thúc đẩy sự cô đơn. Dù kỳ thực chúng ta khó có thể biết tổ tiên của mình vài triệu năm trước có cảm giác cô đơn như mình bây giờ hay không, nhưng chắc chắn là ở thời điểm đó, sẽ chẳng có thứ nào “kiếm chác” được từ sự cô đơn của họ. Ngược lại, ngày nay, sự cô đơn của mỗi cá thể tạo ra nhiều nhu cầu và thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng phát triển hàng loạt sản phẩm/ dịch vụ giúp con người thoát khỏi sự cô đơn vốn không thể được “chữa trị” hay “xoa dịu” nếu như ta vẫn nằm trong vòng xoáy của thời đại. 

Chủ nghĩa tự do (Liberalism) trong giai đoạn hiện tại cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự cô đơn. Từ việc chúng ta ngày càng tin tưởng vào quyền con người mình đang có, quyền tự quyết định cuộc đời.., những câu khẩu hiệu kiểu “bạn phải cố lên, nỗ lực lên, chỉ có bạn mới giúp được bạn” càng được củng cố và phổ biến tới mức là những triết lý sống hiển nhiên của thời đại này. 

Chúng ta đang tiến hóa để cô đơn?

Mặt tích cực là chúng ta sẽ có thêm động lực để tin tưởng bản thân và làm những điều không tưởng nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta tạo nên một cái kén chật chội để giữ kín những lo lắng, buồn bực, sợ hãi, thất vọng, đau khổ ngày qua ngày. Bởi xã hội cũng dạy rằng, bớt kêu đi, làm nhiều lên, chôn chặt sự hèn kém, mệt mỏi vào bên trong thật là sâu nhé! 

Tự do méo mó dần sang tự lo. Và tự lo thì dễ nhầm lẫn với việc tự làm một mình, không dám nhờ cậy, tìm sự trợ giúp từ bất cứ ai, kể cả người thân nhất, đưa chúng ta đi xa bản chất nguyên thủy của mình: sống trong một cộng đồng nhỏ bền chặt và ưa thích sự tương tác trực tiếp (chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau). Và vì chủ nghĩa tự do gắn chặt với chủ nghĩa tiêu dùng nên các dịch vụ nhà ở, hình thức giải trí riêng tư… góp phần cô lập chúng ta với thế giới bên ngoài nhanh chóng hơn. 

Những điều kiện này quả là môi trường lý tưởng để sự cô đơn được phát triển mạnh mẽ. Bởi, cô đơn xuất hiện ở thời điểm mà chúng ta cảm thấy không thể chia sẻ bất cứ điều gì quan trọng với ai dù chúng ta rất khao khát được thấu hiểu, chúng ta thấy mình thật lạc lõng. 

Cô đơn không phải là một vấn đề sức khỏe tinh thần nhưng cô đơn có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần. Có không ít những nghiên cứu đã chỉ ra sự ảnh hưởng của cô đơn đến rối loạn lo âu, trầm cảm. Cảm giác cô đơn cùng cực gây ảnh hưởng đến thể chất (vấn đề tim mạch, trí nhớ..). Khi cô đơn lâu dài khiến chúng ta sống cô lập lâu hơn, ít tin tưởng hơn và luôn cảnh giác. Chẳng thế mà mấy người cô đơn lâu dễ mất ngủ ^^, có lẽ vì cảm giác thiếu an toàn luôn hiện diện. Nhưng cảm giác cô đơn vẫn sẽ đến ít nhất vài lần trong đời, kể cả là với những người tích cực nhất. Vậy thì phải làm gì để vượt qua cô đơn?

Ở thời nay, cách dễ dàng nhất là lên MXH lướt reels, newfeeds 2-3 tiếng, hay đăng 1 tấm hình ẩn ý thông điệp: Tôi đang cô đơn lắm!?? Cao hơn nữa thì rủ bạn bè đi shopping, cà phê, nhậu nhẹt. Nhưng khi kết thúc mọi cuộc vui, mọi thứ lại như cũ, hoặc thậm chí là tệ hơn. 

Phải thừa nhận rằng, chẳng có lời khuyên nào giải quyết được thứ cảm xúc phức tạp khó đoán này của từng cá nhân nhưng cần nhìn lại cách chúng ta sống hiện tại. Những kết nối bền chặt của một cụm dân cư đã lỗi thời từ rất lâu. Ở thời “tự do”, mỗi cánh cổng đều cao và rộng hơn bao giờ hết. Người giàu ưa sống trong những khu biệt lập. Trong một gia đình, việc người trẻ đi xa và ít ăn cơm nhà là điều hiển nhiên. Chúng ta vẫn có những cộng đồng, hiệp hội, trên cả thế giới mạng và thế giới thực, nhưng những kết nối này không tồn tại mãi mãi. Được “trao quyền” để tự do và sự tự do trong tưởng tượng đã làm chúng ta ngại ngần để chia sẻ hơn bao giờ hết. 

Đã có những lời hứa hẹn về “kết nối mở” mang tới cho con người cuộc sống thú vị và nhiều trải nghiệm hơn? Hay hậu Covid, con người sẽ thích làm việc từ xa hơn và còn dự báo tương lai con người sẽ hạn chế ra đường vì mọi giao dịch/ cuộc hẹn đều có thể thực hiện từ xa qua Internet? Thế mà điều gì đã xảy ra ngay khi chúng ta được ra ngoài hậu Covid? Mọi người đổ xô ra đường và khao khát được có những tương tác trực tiếp bên ngoài. Chúng ta thèm chạm và cảm nhận nhau qua những cử chỉ, động tác chứ không phải qua lớp filter fake cảm xúc. Internet có thể cho ta nhiều cách để truyền đạt thông tin nhưng đừng quên là trước khi tạo ra chữ viết, tổ tiên chúng ta sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt và cảm nhận. Cách chúng ta sống hiện tại đang rời xa bản chất sống bầy đàn vốn luôn có những kết nối bền chặt và tự nhiên. 

Internet hay MXH không phải nguyên nhân khiến chúng ta mất kết nối nhưng là thứ thuốc thần khiến ta tin tưởng mình có thể kết nối sâu hơn nữa. Tiếc là, khi mỗi ngày thời gian nhìn vào màn hình nhiều hơn, là mỗi ngày kết nối thật bên ngoài càng lúc thêm lỏng lẻo. Dù có biện minh cho sự phát triển của kết nối không dây mang cho chúng ta nhiều lợi ích tới mức nào thì cũng thể phủ nhận rằng, cảm giác cô đơn, trống rỗng cũng đi kèm với đó và một thứ cảm giác cứ quẩn quanh trong đầu: 

“Anh cô đơn giữa tinh không này

Muôn con sóng cuốn xô vào đây

Em cô đơn giữa mênh mông người

Và ta cô đơn đã hai triệu năm”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến