Nhật ký tập thiền Vipassana tại nhà (How To Do Vipassana Meditation At Home) - P1: Thiền Anapana

Chuỗi bài viết này được mình viết theo dạng nhật ký để theo dõi sự thay đổi của bản thân trong quá trình tập thiền cũng như đúc rút lại một số điều đáng nhớ để học theo. Vì dịch bệnh phức tạp nên hiện tại mình không thể đăng ký khóa thiền 10 ngày tại trung tâm bởi vậy mình học theo một bài viết của bạn đã từng tham gia khóa thiền. Những gì bạn đọc ở dưới đây sẽ có timeline khác so với thông thường. Thời gian tu tập là 1 tháng, mỗi ngày tối thiểu 1 tiếng.

Nếu bạn quan tâm, có thể tìm hiểu bài viết tự tập thiền ở nhà tại link này.

---

Trong 3 ngày đầu tiên, mình chưa viết theo từng ngày nên mình sẽ tóm gọn lại những điều bản thân tiếp thu được. 3 ngày đầu trong khóa 10 ngày = 5 ngày tập ở nhà. Tuy vậy vì có 1 ngày mình không tập được và 1 ngày mình tự tăng thêm vì cảm thấy bản thân quan sát chưa đủ nên tổng thời gian mình thực hành thiền Anapana tại nhà là 6 ngày. Trong thời gian này, mỗi ngày mình dành 1 tiếng để thiền. 

Thiền Anapana là bước đệm để bước vào Vipassana nhưng rất quan trọng. 6 ngày này mình chỉ tập trung quan sát hơi thở với mức độ tăng dần từ việc chỉ quan sát hơi thở đi ra - đi vào đến việc quan sát hơi thở đi vào bên trái hay bên phải hay 2 bên mũi, đi ra thì chạm vào đâu trước? 

Thiền Vipassana tại nhà - How to do Vipassana Meditation at home
Thiền Vipassana tại nhà - How to do Vipassana Meditation at home

Vậy, tại sao lại quan sát hơi thở đầu tiên? Bản thân mình đã tự ngộ ra điều này: Đó là vì hơi thở là thứ dễ quan sát nhất, là bước đầu tiên trong hành trình chúng ta tập quan sát bản thân mình một cách vi tế hơn. 

(Vi tế (微細) là những điều nhỏ bé, tinh xảo ẩn tàng sâu xa phía dưới một hình thức, một trạng thái hay một hoạt động gì đó. 

Từ này trong Đạo Phật vẫn được sử dụng, nếu bạn chưa hiểu rõ có thể tìm hiểu thêm nhé. Mình lấy định nghĩa này từ wikihanhphuc.com)

Khi nghe Pháp thoại, mình càng ngẫm ra được điều này. Mình nhận ra bản thân đã sống vội vã và bỏ mặc cảm xúc của chính mình nhiều vô cùng. Đến cả việc Ăn, mình cũng luôn vội. Ăn mà không chịu dành thời gian cảm nhận sự ngon miệng, sự ngọt lành của rau củ. Ăn với tâm lý ăn cho no bụng, cho xong. Nghĩ lại thấy mình tệ hại với bản thân vô cùng. 

Có lẽ thời gian mình thưởng thức món do mình nấu đã qua lâu rồi. Khoảng thời gian 2016-2017, mình thật sự hân hoan khi nấu nướng và thưởng thức đồ ăn. Nhưng vài năm gần đây, lúc thì bận bịu làm việc, bỏ bữa, ăn trái giờ, ăn cho no rồi làm tiếp. Khi nghỉ việc công ty, làm tự do ở nhà, mình lại sinh bệnh chán ăn. Ăn không thấy ngon, ăn cho có, cho qua bữa. Ăn mà luôn cảm thấy ngán ngấy. Điều này, mình tự biết là tâm sinh bệnh. Nhưng, mình vẫn bỏ mặc cơ thể. Đến cả cuốn sách "Minh triết trong ăn uống của Phương Đông" đã mua từ 2018 rồi còn cất công cầm từ Bắc vào Nam mà cũng chưa bao giờ đọc quá 20 trang đầu. Biết là ăn uống kém, ăn uống không đúng cách nhưng vẫn buông thả. 

Giờ, nhìn lại 1 quãng thời gian nhiều biến động, thấy bản thân mình chỉ toàn dành thời gian cho những điều không có lợi lộc gì cho bản thân. Hoặc chạy theo cảm xúc tiêu cực hoặc chạy theo cảm xúc người khác. 

Khi bắt đầu tập khóa thiền này, mình không kỳ vọng gì xa xôi, mình chỉ muốn tâm An. Khó nhưng không phải là không bao giờ làm được. Hiện tại, sau 6 ngày đầu tập, mình đã vào giấc ngủ nhanh hơn. Bất ngờ là ngay sau ngày tập đầu tiên, mình đã thực hành việc quan sát hơi thở khi thấy tâm đang lan man không chịu ngủ. Sau đó mình ngủ lúc nào không hay. Các giấc mơ cũng không quá mãnh liệt. Dù sáng ra mình vẫn dậy muộn nhưng ít ra, mình đã biết cách để bắt đầu giấc ngủ. Mình cũng đang tập mỗi ngày để học cách quan sát cơ thể nhiều hơn. Quan sát cách mình nhai, mình ăn, mình cảm nhận đồ ăn. Quan sát những khoảnh khắc mình hạnh phúc và vui vẻ. Quan sát, quan sát và quan sát. Đã 6 ngày trôi qua và còn 25 ngày nữa, mong là mình sẽ hoàn thành được mục tiêu sau quá nhiều năm trì hoãn việc ngồi lại và bình tĩnh quan sát mọi điều. Tâm có An thì cơ thể này mới hạnh phúc và khỏe mạnh được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến