[11.2020] Cắm trại ở Đà Lạt - Đồi Thiên Phúc Đức: 9 lưu ý dành cho người ít kinh nghiệm (Phần 2)

Xin chào các bạn, mình đã quay trở lại để chia sẻ tiếp phần 2 những lưu ý dành cho người ít kinh nghiệm khi đi cắm trại ở Đồi Thiên Phúc Đức - Đà Lạt, đặc biệt là nhóm đi đông và nhiều nữ. Phần 1 mình đã chia sẻ 05 lưu ý đó là:

1. Lên kế hoạch trước khi đi cắm trại, đừng tới nơi mới họp 

2. Phân chia trách nhiệm rõ ràng 

3. Liên hệ thuê dịch vụ trước ít nhất 1 tuần

4. Không nên tham đi những địa điểm xa xôi trước và sau ngày cắm trại

5. Chọn đồi có địa hình dễ di chuyển

Trong phần 2 này, mình sẽ chia sẻ tiếp 4 lưu ý sau nhé:

6. Chuẩn bị đồ ăn ở trại đơn giản

Điều này được mình rút ra từ chính kinh nghiệm xương máu của nhóm mình khi đi cắm trại Đồi Thiên Phúc Đức. Đây có thể coi là lỗi sai cơ bản ảnh hưởng không nhỏ đến lịch trình của chuyến đi.

Như mình đã chia sẻ ở trên, nhóm mình chia thành nhiều nhóm nhỏ. Trong đó mình lead nhóm hậu cần bao gồm đồ ăn và các đồ vệ sinh liên quan. Bọn mình đã lên một danh sách cực dài các đồ ăn và suy nghĩ đơn giản có thể xử lý hết trong 2 - 3 tiếng đồng hồ. Những món ăn chính cho bữa tối đầu tiên bao gồm:

- Đồ nướng các loại (bao gồm cả thịt bò, thịt heo, đồ hải sản các loại, rau củ)

- Nồi lẩu thái (chả hiểu sao lại cùng nhau đồng ý làm lẩu mà không nghĩ đến việc vác nồi lẩu lên đồi kiểu gì ^^

- Một con gà hấp xả

- Rượu hoa quả (pha giữa các loại hoa quả tươi và rượu)

Nhìn thì đơn giản nhưng quá trình đi chợ chọn đồ => mang về ướp, tẩm, rửa => MẤT CỰC NHIỀU THỜI GIAN. 

Theo lịch trình, bọn mình sẽ đi chợ từ 1h chiều - 2h chiều. Sơ chế đồ và mang lên muộn nhất là 4h chiều để kịp ngắm hoàng hôn và cùng nhau nướng đồ vui vẻ, nhưng sự thật thì:

Mặc dù đã tính toán cho một nhóm về trước sơ chế và rửa những món đồ mất nhiều thời gian (chủ yếu đồ tươi sống và phục vụ cho bữa tối chính) và một nhóm ở lại mua các đồ khô ở siêu thị (chủ yếu phục vụ cho việc ăn đêm, ăn sáng và pha chế đồ uống) nhưng chúng mình vẫn mất rât nhiều thời gian để mua đồ (1,5 tiếng) và sơ chế đồ mất hơn 3 tiếng. Và cuối cùng, 6h tối nhóm hậu cần mới xong sơ chế, trong khi team cắm trại ngồi chờ trên đồi heo hút suốt 2-3 tiếng -_-!!

Chưa hết, vì đi muộn, 6h tối trời tháng 11 ở Đà Lạt đã tối thui. Bọn mình có 12 người mà thay nhau bê đồ lên đồi trong tình trạng đường tối thui và đường gần đỉnh đồi khó đi. Phải đến 7h hơn, team con gái mới ngồi được xuống và nướng đồ. 

Kết quả là chúng minh vừa không ngắm được hoàng hôn, lại chuẩn bị quá nhiều và mệt. Tối hôm đó chúng mình ngồi chơi tới 2h đêm mới đi ngủ. May là đoàn toàn người trẻ. Nếu đoàn mình lớn tuổi hơn thì có lẽ 10h lúc ăn lẩu xong, cả đoàn đã đi ngủ hết vì quá mệt rồi. 

Vậy, kinh nghiệm ở đây mình xin tóm gọn lại là: Ăn thật đơn giản. Một số món ăn đơn giản gợi ý cho các bạn: Cháo gà, gà hấp, và vài ba bắp ngô, khoai lang là xong. Mua thêm mì gói, xúc xích, cà phê để ăn sáng sớm hôm sau và chút đồ snack để ăn vặt là ổn. 

7. Cắm nhiều lều nhỏ thay vì lều lớn

Đoàn mình có 12 người nên chúng mình thuê một chiếc lều lớn được quảng cáo là đủ 12 người và thuê thêm 1 lều đơn (do kế hoạch ban đầu có thêm 1 bạn nữa). Nhưng khi thuê lều lớn, mình phát hiện ra hai điều:

- Lều quá chật so với 12 người. Chiếc lều 12 người được chia 2 bên, mỗi bên 6 slot nhưng theo mình thấy thì mỗi bên chỉ 4 người ngủ là vừa. 

- Dựng lều mất thời gian

Lều của tụi mình trên đồi Thiên Phúc Đức. Ảnh chụp không nhìn rõ lều mà chỉ thấy đèn :))

Mình cũng xem hình ảnh một số đoàn đi cắm trại thường dùng lều đơn. Cách này giúp mọi người rút ngắn thời gian và các đôi cũng có không gian riêng tư với nhau hơn. kaka. Nói chung cái này tùy nhu cầu nhóm đó muốn như nào. Mình thì thấy dựng lều đơn cho đơn giản, không xiêu vẹo vì chất lượng lều cho thuê cũng phình phường thôi. Còn đoàn nào có phượt thủ hoặc mấy bạn chuyên cắm trại thì chẳng vấn đề gì. 

8. Cảnh bình minh đẹp nhất là 6-7h sáng chứ không phải 4-5h

Nói cái điều này là cho mọi người được ngủ ngon ạ :)). Khỏi phải lục đục gọi nhau dậy từ 4-5h sáng lạnh khủng khiếp rồi thấy trời toàn mây đen xì với cả sương đêm. Phải tới lúc 6-7h khi mặt trời đã lên cao một chút, những tia nắng xuyên qua kẽ lá thì cảnh mới đẹp tuyệt để chụp hình. 

Bình mình lên lúc 6h sáng trên đồi Thiên Phúc Đức - Đà Lạt

Cảnh đẹp nhất theo mình là từ lúc 6h-6h30. Khi ánh ban mai đẹp đẽ, rực rỡ và nhiều sức sống nhất!

Ảnh chụp bằng điện thoại cũng đã đẹp rồi. Cảnh trên đồi Thiên Phúc Đức - Đà Lạt đẹp lắm nhé

Bạn nào có ý định làm bộ ảnh trên đồi Thiên Phúc Đức vào sáng sớm thì nên chọn đồ sáng màu để chụp nhé. Nhìn ảnh mình mặc đồ tối là biết tối thùi lùi rồi :))

9. Túi ngủ rất mỏng, nên chuẩn bị đồ ấm đầy đủ

Mình cá là các bạn ít đi cắm trại hoặc chưa đi cắm trại bao giờ thì sẽ hiếm khi có túi ngủ, mà mọi người sẽ thường đi thuê giống mình. Và đương nhiên là bên cho thuê lều trại sẽ cho thuê luôn cả túi ngủ nhưng nó sẽ không dầy và cứng cắm nên nếu chỉ mang quần áo để mặc mà không có mũ len đội thêm hoặc áo mặc thêm đêm thì có thể bạn sẽ bị cảm lạnh đó ạ. Hoặc, do đoàn mình hơi đen nên thuê đồ của bên có đồ không xịn nên vậy. 

Mình nhớ hồi 2016-2017, mình có đi trekking Phan Xi Păng. Lúc lên đến trạm 2 gần đỉnh là bọn mình nghỉ đêm ở đó. Lúc đó vì đi vào đợt Giỗ Tổ Hùng Vương nên lượng người trekking tăng đột biến, đến nỗi mà khách không còn chỗ ngủ trong nhà trạm mà phải ngủ ở ngoài có bạt trăng. Mỗi người được phát cho một cái túi ngủ nhưng ấm và dầy vô cùng chứ không mỏng teo như cái túi ngủ mình được phát ở chuyến cắm trại này nên dù lười thế nào thì bạn cũng nên có đồ ấm để trang bị quanh người khi ngủ đêm ở trên đồi. 

Trên đây là những kinh nghiệm của mình lần đầu cắm trại qua đêm ở đồi Thiên Phúc Đức - Đà Lạt. Nếu bạn muốn hỏi thêm thông tin hoặc cần mình tư vấn thêm cứ comment ngay dưới bài viết nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài!


Nhận xét

Bài đăng phổ biến