[11.2020] Cắm trại ở Đà Lạt - Đồi Thiên Phúc Đức: 9 lưu ý dành cho người ít kinh nghiệm (Phần 1)

Cách đây khoảng 1 tuần, mình đã có chuyến cắm trại đầu tiên ở Đà Lạt và cũng là chuyến cắm trại đầu tiên đúng nghĩa chuẩn bị từ A đến Z. Nhóm mình đi lần này có 12 người bao gồm 6 trai 6 gái xuất phát từ Sài Gòn bằng xe máy. Bọn mình chơi ở Đà Lạt 4 ngày và trong đó có 01 ngày đêm trọn vẹn dành cho việc cắm trại & ngủ trại. Chúng mình cắm trại ở Đồi Thiên Phúc Đức cách trung tâm Đà Lạt tầm 7km. 

Sau chuyến đi, mình đã ngẫm ra một số lưu ý để lần cắm trại sau làm tốt hơn. Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp cho những bạn chưa từng cắm trại trên đồi, cắm trại ở Đà Lạt có thêm kinh nghiệm nha. 

1. Lên kế hoạch trước khi đi cắm trại, đừng tới nơi mới họp 

Nghe thì tưởng thừa nhưng lên kế hoạch ở đây là bao gồm việc họp (offline, online), lên kế hoạch trên giấy/ excel, phân chia từng đầu công việc và thực hiện. Việc cắm trại sẽ đơn giản khi phần đông mọi người trong nhóm đi có kinh nghiệm. Nhưng khi nhóm bạn có đến 90% người chưa từng cắm trại qua đêm trên đồi và có >50% thành viên là nữ thì việc lên một kế hoạch cụ thể từ trước sẽ giúp việc chuẩn bị đồ cá nhân và đồ nhóm được đầy đủ. Hãy nhớ, leo lên đồi để cắm trại thì không đơn giản như việc trải một tấm bạt ra công viên.

Với những nhóm trên 10 người, điều này càng cần thiết. Công tác tìm đồi để cắm trại phù hợp, thuê lều trại, chuẩn bị đồ dùng, đồ ăn, tư trang... sẽ khá mất thời gian và cần họp với nhau từ trước để tránh cãi nhau sau này. Không phải 3 -4 người bạn thân thiết rủ nhau cắm trại mà là hơn 10 người! Và cũng hiếm có nhóm 10 người nào mà cả 10 người cùng hiểu nhau lắm, nếu đó là nhóm bạn thân cũng đã khó. Huống chi các nhóm đi cùng nhau thường là nhóm đồng nghiệp trong công ty, nhóm sinh viên.

Hãy nhớ, khi lên kế hoạch thì phải lên kế hoạch cùng nhau, nghĩa là cùng nhau đóng góp ý kiến và phân chia việc đều. Không có chuyện ai rành thì làm hết, ai bận thì khước từ họp, chuẩn bị trước khi đi cắm trại. Việc cùng lên kế hoạch giúp những người trong nhóm dần hiểu nhau và tăng tương tác với nhau trước chuyến đi hơn bởi sẽ có những người chơi thân với nhau, có những người trước đó ngại giao tiếp nên chỉ quen 1-2 người trong nhóm. Những người đi vào phút cuối và chỉ quen qua loa mọi người trong đoàn. 

Về thời gian để lên kế hoạch trước chuyến đi, theo kinh nghiệm của đoàn mình là 1 tuần trước khi đi chơi, bao gồm cả việc chọn Homestay (nếu bạn đi chơi nhiều ngày chứ không chỉ đi cắm trại). 

Một lưu ý về thuê Homestay cho các bạn đi Đà Lạt vào các mùa hot trong năm như đợt cuối năm hoặc các dịp lễ thì bạn nên tìm hiểu và đặt Homestay trước 1 tháng cho chắc nhé vì mùa này lượng khách đến Đà Lạt rất cao, nếu Homestay của bạn thuộc loại hot thì với nhóm trên 10 người khó có phòng đủ để thuê lắm. 

2. Phân chia trách nhiệm rõ ràng 

Trong một buổi đi chơi bất kỳ theo mình có 3 vị trí không bao giờ có thể thiếu đó là: 

Leader: Mọi chuyến đi đông đúc thì luôn phải có leader. Leader là chất keo kết dính mọi người lại với nhau. Là người chốt lại quyết định khi có quá nhiều quyết định đưa ra. Là người có kinh nghiệm về cắm trại và thông thuộc đường đi. Đôi khi leader không cần là người giỏi tất cả những điều này nhưng họ phải biết ai mạnh cái gì để chia việc phù hợp. 

Thủ quỹ: Cực kỳ quan trọng. Nếu trong nhóm bạn có một người là Kế toán thì xin chúc mừng bạn. Mọi việc thu - chi sẽ được liệt kê chi tiết để mọi người cùng nắm rõ. Còn nếu không có Kế toán trong đoàn của mình, hãy bầu ra một người có kinh nghiệm cầm các loại quỹ nhóm, tính cách cẩn thận, đôi khi là hơi chi li, những người này sẽ giúp nhóm chi tiêu các khoản đúng mực hơn đó. Nên phân trách nhiệm thủ quỹ ngay từ khi bắt đầu việc thu tiền. Các thủ quỹ sẽ ghi chi tiết ngày nào thu bao nhiêu, chi bao nhiêu. Vấn đề tiền bạc cực kỳ nhạy cảm nên hãy cố gắng minh bạch nhất có thể nhé. Kẻo đi chơi về là mất tình bạn. 

Thư ký: Vị trí này sẽ cần khi có các cuộc họp offline, online xảy ra. Các thư ký sẽ ghi lại các nội dung đã chốt trong buổi họp để các thành viên biết là mình đã biểu quyết như thế nào. Tránh cãi nhau sau này ví dụ bạn kêu muốn đi Đồi Cỏ Hồng nhưng không chịu suggest, mọi người không vote, đến ngày đi không thấy có trong lịch trình lại kêu là mọi người không chịu lắng nghe. Nên nói chung là: nói gì, chốt gì, ghi hết ra sau buổi họp rồi show cho mọi người cùng xem. Và, đừng chờ ai đó rảnh tay ghi lại, phân công việc ngay từ đầu để thư ký lắng nghe thông tin từ đầu tới cuối buổi họp nhé. 

Ngoài ra, trong bản kế hoạch buổi cắm trại hãy cố gắng phân ra các nhóm nhỏ chuyên môn và có lead từng nhóm thay vì đẩy hết trách nhiệm cho leader, leader sẽ không bao quát được hết việc đâu nhé. Ví dụ, nhóm mình chia nhóm lớn ra ba nhóm: Nhóm cắm trại - Nhóm hậu cần (ăn uống, đồ dùng) - Nhóm chuyên chở. Mỗi nhóm sẽ có một leader, Lead toàn nhóm sẽ chỉ làm việc với lead mới nhóm để nắm công việc nhanh nhất có thể thôi. 

Việc phân chia này cũng giống như bạn đi làm ở công ty vậy. Manager sẽ không bao giờ quản lý đến tận intern mà sẽ chia cho một staff quản lý vài intern. Manager sẽ thường chỉ làm việc với các leader thôi. Đặc biệt là khi phòng có hàng chục người thì không có một manager nào lại quản lý từng cá nhân được. Có lẽ vì bản thân mình cũng từng quản lý phòng hơn chục người nên mình cũng phần nào hiểu rõ và áp dụng vào việc cắm trại này mặc dù chuyến đi này mình không phải Leader chính, hehe. 

3. Liên hệ thuê dịch vụ trước ít nhất 1 tuần

Như mình nói ở trên, khi bạn đi chơi Đà Lạt vào các mùa cao điểm thì nên tìm liên hệ các bên cung cấp dịch vụ trước ít nhất 1 tuần để đảm bảo có đủ nhu cầu cho nhóm đông nhé. Các dịch vụ bên mình cần liên hệ trước

- Bên cho thuê lều trại
- Bên cho thuê xe máy (một số bạn trong đoàn mình không đi xe máy lên Đà Lạt mà đi xe khách)
- Bên cho thuê Homestay (Homestay nào hot, hay hết phòng thì nên liên hệ trước cả tháng cho chắc chắn)


Jevis Au Village Dalat - Homestay bên sườn dốc, nơi mà mình đã lựa chọn rất nhiều lần mỗi khi về Đà Lạt (Fanpage: https://www.facebook.com/jevisauvillage)

4. Không nên tham đi những địa điểm xa xôi trước và sau ngày cắm trại

Theo mình nghĩ, những bạn đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt chơi mà chỉ đi cắm trại rồi về chắc sẽ ít bởi nếu cắm trại hôm trước hôm sau về thì sẽ rất mệt mà mọi người sẽ ở lại chơi khoảng 2 - 3 ngày trước và sau cắm trại. Điều này cũng đúng với đoàn mình, bọn mình đến Đà Lạt trước 1 ngày, chơi nhẹ nhàng, ngày tiếp theo cắm trại rồi ngày hôm sau cắm trại về lại đi chơi tự do trước khi về. 

Đâu cần đi xa, gần trung tâm là Nông Trại Cún - Puppy Farm với những em cún siêu dễ thương

Mặc dù trước khi đi chúng mình có liệt kê list rất nhiều địa điểm trong đó có những điểm khá xa như thác Pongour (cách Đà Lạt 50km), Làng Cù Lần (cách Đà Lạt 20km) và một số điểm xa hơn chục km nhưng cuối cùng chúng mình chỉ đi những điểm gần Homestay, bán kính <10km. Thật sự là sau khi đã cắm trại một đêm và lại còn thức khuya dậy sớm thì khó mà đủ sức để hôm sau đi đường xa tiếp. Tiêu chí nhóm mình đi lần này là vui vẻ, thoải mái không cố ép đi nhiều vì còn lên Đà Lạt nhiều lần nữa nên chúng mình cũng không quá ép nhau phải đi nhiều chỗ, mệt thì nghỉ. Chưa kể lần này chúng mình còn đi từ Sài Gòn - Đà Lạt và ngược lại bằng xe máy nên phải giữ sức để đi về không mệt mỏi. 

5. Chọn đồi có địa hình dễ di chuyển

Trước khi đến Đà Lạt nhóm mình đã chốt đi đồi Đa Phú vì: gần Homestay, rộng, cảnh đẹp, địa điểm hot, mặc dù đồi Đa Phú có hai điểm trừ là: Đường lên hoàn toàn bằng xe máy có đoạn dốc và khó đi và thứ hai là không có chỗ gửi xe. Những điều này chúng mình biết hoàn toàn dựa vào việc research. 

Đường xe lên đồi Đa Phú không dễ cho số đông, xe không nên trở người mà chỉ lên đi một mình

Tuy nhiên khi chúng mình lên tới Đà Lạt thì mình đã tham khảo thêm ý kiến anh chủ nhà Homestay là một dân phượt chính hiệu và cũng là một thổ địa ở đây và đưa ra quyết định là không đi cắm trại đồi Đa Phú nữa vì:
 - Đường lên sẽ hơi khó đi, đặc biệt là khi Đà Lạt đang mùa mưa, đất dễ ẩm ướt, không phải ai cũng quen đi địa hình khó
 - Các bạn nữ sẽ phải đi bộ vì xe không nên trở người, hơn nữa đường đi lên xa, đi tối càng bất tiện
 - Nhiều đoàn cắm trại, dễ xảy ra mất đồ, rạch lều cướp đồ
 - Xe máy phải tự quản lý, dễ mất
Cùng với lý do đường lên khá khó đi và phải phi xe lên trên đồi để để xe nên chúng mình quyết định chọn đồi Thiên Phúc Đức vì 
- Đã có 1 bạn trong đoàn từng cắm trại ở đây 
- Địa hình dễ đi hơn dù phải đi bộ một đoạn nhưng không dài (phù hợp khi trong đoàn có nhiều bạn nữ)
- Có chỗ trông xe 

Các lưu ý tiếp theo mình sẽ viết ở bài viết sau nhé vì bài viết hiện cũng khá dài rồi. Các bạn có thể xem link bài phần 2 ở đây: 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến